Ngày đăng: 17/02/2012 | Lượt xem: 5069
Xung quanh vấn đề UBND TP HCM không cho phép quảng cáo trên xe buýt có nhiều ý kiến phản ứng. Về vấn đề này chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhiều DN, họ đều ủng hộ việc quảng cáo (QC) trên xe buýt. Hầu hết các DN cũng đề nghị việc QC trên xe buýt phải được tổ chức, quản lý nội dung - hình thức - giá cả một cách chặt chẽ công bằng.
Thể hiện quan điểm về vấn đề này bà Hồng Hương - TGĐ hệ thống siêu thị Vinatex Mark nói: Việc QC trên xe buýt là quá tốt, nếu TP HCM cho phép thì tôi sẽ tham gia quảng bá hình ảnh siêu thị của mình đến với mọi tầng lớp người tiêu dùng. Bà Hương cười nói thêm: “Vinatex Mark là siêu thị bình dân mà”.
DN ủng hộ
Theo bà Hương so sánh, ưu thế của việc QC trên xe buýt hơn hẳn nhiều loại hình QC khác, kể cả QC trên tivi được cho là phương tiện hiệu quả nhất hiện nay. QC trên xe buýt chuyển tải thông tin có tính di động cao, đến được nhiều nơi, dễ thấy do ngang tầm mắt... Nhiều tỉnh, thành cạnh TP HCM đã cho phép QC trên thành xe buýt như tỉnh Bình
Dương, tỉnh Đồng Nai, không hiểu sao TP HCM lại cấm.
Với việc không cho QC trên xe buýt, TP HCM sẽ thất thu khoảng 150 tỷ đồng/năm
Bà Nguyễn Ánh Hồng - TGĐ hệ thống siêu thị MaxiMark khi trả lời câu hỏi của chúng tôi là nên hay không nên cho QC trên xe buýt đã trả lời chắc nịch: “Nên chớ, có gì đâu mà cấm...” Theo bà Hồng, cũng có xảy ra chuyện người đi đường gây tai nạn do mất tập trung khi nhìn vào các QC, nhưng việc này không phải lỗi của QC mà do lỗi của người điều khiển phương tiện giao thông. Hơn nữa so với các pano QC trên cao, các băng rôn treo ngang đường thì việc QC trên xe buýt ít làm mất tập trung đối với người đi đường nhất do tầm nhìn thấp, nhìn lướt qua...
Nên quản lý chặt cả nội dung và hình thức
Bà Hồng Hương góp ý: QC trên xe buýt có đặc thù so với QC trên các phương tiện khác. Phải làm sao màu sắc và hình ảnh phù hợp tâm lý, văn hóa của người Việt. Ví dụ một cách tế nhị, khi QC quần áo lót trên báo, tạp chí... có thể dùng hình ảnh phụ nữ hơi gợi cảm với một mức độ nào đó nhưng không thể QC trên xe buýt cùng mức độ gợi cảm như vậy, vì sẽ không phù hợp văn hóa nơi công cộng của người Việt. QC trên xe buýt do là hình ảnh đập ngang tầm mắt người điều khiển giao thông nên không thể dùng các gam màu nóng, quá rực rỡ chói mắt làm mất tập trung người điều khiển phương tiện, dễ gây tai nạn giao thông.
Trao đổi về vấn đề giá QC trên xe buýt, cả bà Hồng Hương và bà Ánh Hồng đều cùng ý kiến là “Hãy để thị trường quyết định”. Theo bà Hồng Hương, thị trường có quy luật của nó, các cơ quan quản lý nhà nước không nên áp đặt bằng ý chí chủ quan. Cách thực hiện có thể là cơ quan nhà nước đứng ra tổ chức giao cho các DN xe buýt lập đề án, báo giá... rồi tổ chức tập hợp ý kiến các DN có nhu cầu QC trên xe buýt, từ đó ban hành mức giá trần để thực hiện. Bà Ánh Hồng thì cho rằng bán diện tích QC trên xe buýt cũng mang tính cạnh tranh như bất kỳ mặt hàng nào, quan trọng là cơ quan chủ quản phải đứng ra làm trọng tài để việc QC trên xe buýt cạnh tranh công bằng theo đúng quy luật thị trường trên cơ sở ai có đủ sức thì tham gia.
Các DN cũng có cùng một băn khoăn là sợ rằng khi cho phép QC trên xe buýt, các thương hiệu lớn nhiều tiền của nước ngoài giành chỗ, cạnh tranh không cân sức đối với các DN Việt. Bà Hồng Hương nói nếu không có các quy định hợp lý thì e rằng trên thành các xe buýt sẽ toàn là hình ảnh của các loại dầu thơm, xà bông, nước hoa... của các thương hiệu liên doanh nước ngoài do họ nhiều tiên, và trong chừng mực nào đó thì họ cạnh tranh nhiều lợi thế hơn DN Việt cùng lĩnh vực.
Cho nghiên cứu, nhưng vẫn cấm
Một DN (xin giấu tên) nói vấn đề cấm QC trên xe buýt của TP HCM đã bị công luận phản đối rất nhiều, nhưng vẫn không lay chuyển quyết định của các lãnh đạo TP HCM. Điều này cho thấy lãnh đạo TP HCM chậm đáp ứng nhu cầu của DN. Từ nhiều năm nay, ngành giao thông TP HCM đã nhiều lần đề xuất UBND TP cho phép QC trên xe buýt để có thêm nguồn thu phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng. Theo Đề án của Cty TNHH một thành viên xe buýt Sài Gòn, nếu QC trên khoảng 3.200 xe buýt hiện có của TP chạy trên hơn 150 tuyến thì mỗi năm thu về khoảng 150 tỷ đồng. Đầu năm 2008 UBND TP mới chấp thuận chủ trương để các ban ngành nghiên cứu thêm. Sau khi được các ban ngành tham mưu, ngày 5/6/2009 TP ban hành Quyết định 39/2009/QĐ-UBND, nhưng tại khoản 5, điều 5 của QĐ này vẫn quy định cấm QC trên các mặt bên ngoài phương tiện giao thông, phương tiện vận tải- tức là vẫn cấm QC trên xe buýt. Quy định cấm QC trên các mặt bên ngoài phương tiện giao thông, phương tiện vận tải của UBND TP HCM là chưa phù hợp với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về hoạt động QC. Thiết nghĩ việc cho phép QC trên xe buýt là việc làm hợp lòng dân, hợp lòng DN và không vi phạm pháp luật hiện hành.
Khắc Dũng (DĐDN)
Tags: